Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
02113.863 416

Viện NCKH&ƯD, Trường ĐHSP Hà Nội 2: Hướng đến phục vụ sự phát triển kinh tế địa phương, vùng miền

(PLVN) - Đó là một trong những định hướng mà Viện Nghiên cứu Khoa học & Ứng dụng (Viện NCKH&ƯD), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đang hướng đến nhằm phục vụ cộng đồng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Để hiểu hơn về mô hình phát triển này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ La Việt Hồng - Viện trưởng Viện NCKH&ƯD.

PV: Trước hết, xin ông đánh giá khái lược về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện NCKH&ƯD, Trường ĐHSP Hà Nội 2 trong thời gian qua?

TS. La Việt Hồng: Viện NCKH&ƯD, Trường ĐHSP Hà Nội 2 được thành lập theo Quyết định số 1474/QĐ-ĐHSPHN2 trên cơ sở Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu Khoa học và Chuyển giao công nghệ của Trường năm 2007. Như vậy có thể thấy, Trường ĐHSP Hà Nội 2 đã có sự chuẩn bị rõ ràng cho việc thành lập 1 Viện Nghiên cứu trong Trường.

Tính đến nay, Viện đã có lịch sử 15 năm thành lập và phát triển với chức năng tổ chức các hoạt động nghiên cứu về KHTN, KHXH, KHGD, Toán học,… Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài trường đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ…

Trong suốt 15 năm phát triển, tôi cho rằng Viện NCKH&ƯD đã hoàn thành cơ bản tốt nhiệm vụ và chức năng của mình, tức là các chức năng mang tính hỗ trợ, tư vấn. Bên cạnh đó cũng còn 1 số chức năng chưa làm được.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu, trình Nhà trường quy chế hoạt động cũng như kế hoạch phát triển tập trung chính vào 4 trụ cột: Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán học. Chỉ khi hoạt động tập trung, có mục tiêu, có trọng điểm thì Viện NCKH&ƯD mới chuyển sang “trạng thái mới” - Chủ động chủ trì, tổ chức các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ.

Khi chúng tôi có quy chế, hoạt động lại tập trung vào 4 trụ cột đó, đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên gia đến hợp tác, mở ra cánh cửa phát triển mới. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ thu hút được nhiều sinh viên các khoa thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên đến thực tập, nghiên cứu, qua đó chúng tôi cũng góp phần thúc đẩy đào tạo nhân lực chất lượng cao của Trường.

PV: Được biết, Viện NCKH&ƯD được Trường ĐHSP Hà Nội 2 đầu tư nhiều trang thiết bị, trong đó có nhiều thiết bị hiện đại, nhưng những năm qua, Viện hầu như chỉ hỗ trợ các nhà khoa học đến nghiên cứu, Viện không chủ trì trực tiếp các quỹ, ngân sách dành cho nghiên cứu. Vậy, Viện có định hướng gì trong thời gian tới, thưa ông?

TS. La Việt Hồng: Trong những năm qua, Viện đã nhận được khá nhiều dự án thiết bị để tăng cường năng lực nghiên cứu. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn vận hành theo cách “hỗ trợ” các nhà khoa học có nhu cầu như tôi đã nói ở trên, nghĩa là còn “thụ động”. Trong thời gian tới, chúng tôi đưa ra một số định hướng sau:

Thứ nhất, rà soát lại hiện trạng, xây dựng cơ chế lại làm việc tại Viện nghiên cứu theo hướng “chủ động”, “tích cực”. Tinh thần là không ngồi đợi hỗ trợ mà còn phải hơn thế, nghĩa là tự mình phải chủ động, tích cực;

Thứ 2, chú trọng khoa học ứng dụng, tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân. Chúng tôi có lợi thế vì không chỉ là nhà khoa học mà chúng tôi còn là nhà giáo dục, do đó khi thực hiện việc chuyển giao, đào tạo hay tập huấn nghề nghiệp thì đây là lợi thế rất lớn.

Thứ 3, tăng cường hợp tác với các Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học các tỉnh, xác định nghiên cứu khoa học phục vụ sự phát triển của kinh tế địa phương, sau đó đến vùng và miền.

Chúng tôi biết còn nhiều khó khăn, nhưng tôi tin tưởng rằng, với sự ủng hộ của lãnh đạo Nhà trường, tập thể lãnh đạo trẻ, có mục tiêu, tầm nhìn rõ ràng thì chúng tôi sẽ làm được để đạt được mục tiêu đó.

Viện NCKH&ƯD, Trường ĐHSP Hà Nội 2: Hướng đến phục vụ sự phát triển kinh tế địa phương, vùng miền ảnh 1

TS. La Việt Hồng

TS. La Việt Hồng là cựu sinh viên, học viên cao học của Trường ĐHSP Hà Nội 2. Ông nhận học vị tiến sĩ năm 2016 tại Viện Công nghệ Sinh học (Viện HL Khoa học & Công nghệ Việt Nam), làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại ĐHQG Jeonbuk, Hàn Quốc năm 2020.

Tháng 6/2021, được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện NCKH&ƯD, Trường ĐHSP Hà Nội 2. Đến nay, ông đã công bố trên 50 công trình trên tạp chí chuyên ngành, kỷ yếu hội thảo khoa học trong nước và quốc tế; Đã chuyển giao 02 quy trình công nghệ; Xuất bản 03 giáo trình phục vụ đào tạo đại học, sau đại học; 01 tài liệu tập huấn kĩ thuật quốc gia; và nghiệm thu 01 dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ GD&ĐT.

PV: Vậy tại sao ông lại muốn định hướng hoạt động của Viện phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, cũng như tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; cơ sở sản xuất kinh doanh, và người dân, thưa ông?

TS. La Việt Hồng: Tôi đã có kinh nghiệm chuyển giao công nghệ “Sản xuất giống hoa cúc chất lượng cao bằng phương pháp nuôi cấy mô tại Mê Linh, Hà Nội” cho công ty TNHH vật tư và giống cây trồng Hà Nội năm 2016; “Sản xuất cây lan kim tuyến bằng phương pháp nuôi cấy mô” năm 2018 cho Trung tâm Kiểm định và Phát triển KHCN Lai Châu, theo đó tôi nhận thấy cần quan tâm đến các địa phương, các doanh nghiệp tư nhân nhỏ, siêu nhỏ,… họ thực sự cần chúng ta - các nhà khoa học thực sự.

Tôi cũng đã suy nghĩ về việc Trường ĐHSP Hà Nội 2 đóng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, nhưng theo tôi biết thì hiếm có đề tài nào được triển khai tại tỉnh. Do đó, ngay khi tôi nhận nhiệm vụ tại Viện vào tháng 6/2021, tôi đã chỉ đạo viên chức rà soát hiện trạng, tổ chức ngay 02 phòng thí nghiệm, sản xuất thử dựa trên công nghệ đã có: (1) phòng công nghệ sinh học thực vật và (2) phòng công nghệ sinh học về nấm ăn, nấm dược liệu.

Hiện chúng tôi đã kết nối và đang hợp tác với Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học Kĩ thuật (Sở Khoa học Công nghệ Vĩnh Phúc) thực hiện 01 nhiệm vụ đặt hàng, hiện tiến độ khả quan, được phía liên quan đánh giá cao, đang hứa hẹn cùng nhau triển khai thêm các nghiên cứu.

PV: Được biết là hiện nay nhân lực Viện NCKH&ƯD còn mỏng, vậy ông có kế hoạch gì để đảm bảo những mục tiêu, định hướng của Viện trở thành hiện thực?

TS. La Việt Hồng:

Trong thời đại này, việc có nhiều nhân lực không chắc đã là hay, tôi lấy ví dụ như dịch bệnh COVID-19 hiện nay, trước khi con người có thể kiểm soát tốt thì hầu như các đơn vị đông người lại trở thành “nơi có nguy cơ cao”. Mà bạn biết đấy, cuộc cách mạng 4.0 hiện nay đang diễn ra như vũ bão, mọi thứ đều kết nối ở quy mô toàn cầu.

Do đó, theo tôi thì phải hiểu nguồn nhân lực ở đây là kết nối, thiết bị ở đây cũng phải là kết nối. Ví dụ trong sản xuất, kinh doanh, người ta cũng đưa ra mô hình OEM, nghĩa là mỗi đơn vị chỉ đảm nhận lấy một số lĩnh vực mà mình là thế mạnh, nghĩa là kết nối. Vì vậy, chúng tôi không xin hay chờ đầu tư đầy đủ các trang thiết bị, tuyển dụng đầy đủ nguồn nhân lực… Mà thay vào đó hãy dành thời gian để đưa ra những ý tưởng thực tế hơn, hiệu quả hơn.

PV: Nếu được chọn một yếu tố vừa là động lực, vừa là mục tiêu để Viện NCKH&ƯD có thể hiện thực hoá mục tiêu thì đó là yếu tố nào, thưa ông?

TS. La Việt Hồng: Tôi cho rằng, sự ủng hộ mạnh mẽ của lãnh đạo Nhà trường, những người tâm huyết, có tầm nhìn chiến lược là yếu tố vừa là động lực, vừa là mục tiêu, nó được thể hiện slogan của Trường tôi “Cùng bạn kiến tạo tương lai”. Cụ thể “kiến tạo tương lai” chính là mục tiêu, đồng hành cùng bạn chính là động lực.

Vậy nên, ngay thời điểm này, các nhà khoa học, đặc biệt là nhà khoa học trẻ có khát vọng có thể kết nối với chúng tôi để “cùng kiến tạo tương lai”. Tôi tin tưởng rằng, nếu Nhà trường tạo cơ chế tốt hơn về quản lý, tài chính, tin tưởng giao thêm các nhiệm vụ… thì trong tương lai không xa, chúng ta có thể thấy một Viện NCKH&ƯD trực thuộc trường ĐHSP Hà Nội 2 trở thành điểm sáng hấp dẫn, chủ động đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, trong đó có phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.

 

Nguồn: https://baophapluat.vn/vien-nckh-ud-truong-dhsp-ha-noi-2-huong-den-phuc-vu-su-phat-trien-kinh-te-dia-phuong-vung-mien-post406366.html?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo



Tags:


Bài viết khác